Đầu tư BĐS lúc này, cần quan tâm điều gì nhất?
Tiếp tục chờ đợi, nghe ngóng là tâm lý chung của các nhà đầu tư Bất Động Sản ở thời điểm này. Trải qua nhiều đợt dịch, cùng sự biến động lên xuống của thị trường BĐS đã ảnh hưởng ít nhiều đến động thái của các NĐT. Tuy nhiên, có điều dễ nhận thấy, thị trường lúc này là “khoảng lặng” do Covid-19 chứ hoàn toàn không phải do nhà đầu tư quay lưng với BĐS.
Theo các chuyên gia, mặc dù các giao dịch đang chững lại song một tín hiệu khả quan là chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ giảm giá. Ngược lại, ở một số thị trường vẫn có dấu hiệu tăng giá. Điều này cho thấy, BĐS vẫn có lực hồi phục tốt sau dịch. Tuy nhiên, chu kỳ phục hồi ngắn hay dài sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm kết thúc của dịch bệnh.
Rõ ràng, dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư "chùng" lại, nhưng cũng là cơ hội để họ đánh giá toàn diện hơn về thị trường cũng như chiến lược đầu tư của bản thân. Đây có thể xem là bước "lấy đà" cho một giai đoạn tăng trưởng mới.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, thời điểm này, khi thị trường rơi vào "khoảng lặng" do Covid-19, nhà đầu tư cần đánh giá lại nguồn lực cũng như hiểu rõ nhu cầu đầu tư của bản thân. "Do sự khác biệt về nguồn lực, sự quan tâm hay thế mạnh riêng nên mỗi nhà đầu tư cần hiểu rõ về tình hình tài chính của bản thân kết hợp với phân tích thị trường một cách khách quan, chi tiết để có chiến lược đầu tư phù hợp nhất với mình", ông Jackson nhấn mạnh.
Đồng thời, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cũng như chiến lược quản trị rủi ro cần được xem xét hết sức thận trọng. Đặc biệt, nhà đầu tư hết sức tránh ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông, dẫn đến quyết định đầu tư theo cảm tính. Nếu có thể, đầu tư hướng đến các mục tiêu lợi nhuận về dài hạn sẽ là phù hợp trong giai đoạn đang có nhiều khó khăn chung của cả nền kinh tế như hiện nay.
Cũng dành lời khuyên cho nhà đầu tư vào thị trường BĐS lúc này, ông Mai Đức Toàn, Giám đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group cho hay, trước khi nghĩ đến chuyện sinh lời bao nhiêu, hãy nghĩ đến việc tài sản mà bạn mua có an toàn không. Nếu pháp lý ổn thì bạn hãy tự tin rằng, sản phẩm mà bạn mua chắc chắn sẽ tăng giá theo thời gian, bởi thực tế đã có quá nhiều trường hợp mất trắng, thua lỗ chỉ vì mua nhầm dự án ma, pháp lý không minh bạch.
Cùng với đó, trong giai đoạn dịch bệnh với những diễn biến phức tạp, nhà đầu tư còn phải tham khảo thêm các thông tin vĩ mô về thị trường BĐS, về nền kinh tế, diễn biến dịch bệnh để đưa ra những quyết định thận trọng trước khi giao dịch. Đăc biệt, phương án tài chính phải hết sức cân nhắc trong giai đoạn này. Bởi thị trường sẽ còn phụ thuộc trực tiếp diễn biến dịch bệnh.
Nhà đầu tư phải tính toán đến phương án dự phòng, phương án thoái lui khi thị trường biến động rủi ro để đảm bảo an toàn tài chính cá nhân. Nếu dùng đòn bẩy tài chính, không nên vay vượt quá 50%: Việc phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng trong giai đoạn nhạy cảm này sẽ có thể khiến nhà đầu tư thâm hụt vốn gốc khi không thoát hàng kịp thời điểm hoặc tỷ suất sinh lời không như kỳ vọng mà nhà đầu tư tính toán trước đó.
Còn theo ông Ngô Quang Phúc, CEO Phú Đông Group, trong bối cảnh thị trường như hiện nay, NĐT không nên kỳ vọng lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn, hình thức đầu tư lướt sóng đã không còn phù hợp với tình hình chung của thị trường. Do đó, khi tham gia BĐS, nhà đầu tư nên đặt ra mục tiêu lợi nhuận trong trung và dài hạn từ 2-5 năm để có phương án điều chỉnh dòng tiền phù hợp.
Mặt khác, nhà đầu tư không nên "bỏ trứng vào một giỏ". Cùng một số vốn có thể chia nhỏ dòng đầu tư ra nhiều sản phẩm ở các địa phương, các sản phẩm khác nhau để phân tán rủi ro. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng hết sức lưu ý về pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư,… để tránh những rủi ro đáng tiếc.
"Thị trường trầm lắng là do tâm lý nhà đầu tư thận trọng vào thị trường lúc dịch còn diễn biến phức tạp, song không có hiện tượng nhà đầu tư "quay lưng" với thị trường mà nhiều khả năng họ đang suy xét, đánh giá lại nhiều yếu tố như dòng tiền, danh mục đầu tư và cả những dự báo về đại dịch Covid-19 trong thời gian sắp tới", Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhấn mạnh.
Bảo Anh
Theo Nhịp sống kinh tế
No comments: