“Nhà giá gốc”, một khái niệm chưa rõ ràng
Ảnh minh họa: Corbis |
Theo Ban tổ chức chương trình, tiêu chí để các tổ chức, cá nhân tham gia “Ngày hội mua nhà giá gốc” là sản phẩm thực, giá trị thực và giao dịch thực. Trong đó, tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà ở, với mức giá từ 1 đến 3 tỷ đồng. Mục đích của chương trình nhằm giúp khách hàng lựa chọn được các sản phẩm nhà ở trực tiếp từ chủ đầu tư, tránh bị làm giá qua các khâu trung gian, môi giới.
Trong khuôn khổ chương trình, khách hàng cũng được tư vấn các dịch vụ về tài chính, ngân hàng, định giá BĐS...
Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Truyền thông Asean C&C – đơn vị tham gia điều phối chương trình cho biết, tính đến nay, đã có khoảng 50 chủ đầu tư các loại hình BĐS trên cả nước, từ chung cư, biệt thự, liền kề, nhà thu nhập thấp, chung cư mini, đất thổ cư và đất dự án đăng ký bán hàng ngay tại sự kiện. Trong đó, theo Ban tổ chức, các sản phẩm căn hộ được chào bán phải đảm bảo đạt điều kiện là ra được hợp đồng mua bán, chứ không phải ở giai đoạn hợp đồng góp vốn. Các giao dịch thực hiện theo hình thức phát hành “thư bảo lãnh giá gốc” tới người mua do Ban Tổ chức phối hợp cùng các chủ đầu tư cung cấp.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên về tiêu chí xác định thế nào là “nhà giá gốc”, thì ông Thành thừa nhận, đây là vấn đề khá nan giải, vì ngay cả cơ quan chức năng quản lý thị trường BĐS là Bộ Xây dựng cũng chưa đưa ra khái niệm thế nào là “nhà giá gốc”.
“Theo chúng tôi hiểu thì “giá gốc” là giá nhà do chủ đầu tư công bố và bán trực tiếp đến tay khách hàng, mà không phải qua các khâu trung gian”, ông Thành nói.
Một thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS (ông này đề nghị không nêu tên) thì cho rằng, “nhà giá gốc” là một từ dùng nhiều thành quen trong lĩnh vực mua bán BĐS, với một ám chỉ về mức giá thấp hơn giá giao dịch trên thị trường thông thường, mức giá mà người mua dành cho người bán có sự quen biết nào đó và một người mua được quyền “ưu tiên” so với những người mua khác. Tuy nhiên, khái niệm này chỉ có ý nghĩa khi mà thị trường có sự chênh lệch đáng kể giữa nguồn cung và cầu (cung ít, cầu nhiều), một thị trường thuộc về người bán như vài năm trước đây.
“Còn hiện nay, với một thị trường đã thuộc về người mua thì khái niệm này thực sự không có nhiều ý nghĩa, bởi có nhiều dự án được giới đầu cơ “ôm hàng” những tháng trước đây nay đang chấp nhận lỗ để “xả hàng” thấp hơn giá mà chủ đầu tư công bố”, vị này nhận xét.
Khi bình luận về chương trình “mua nhà giá gốc” là hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng, về bản chất đây là hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm “xả hàng tồn” của doanh nghiệp và huy động vốn cho dự án BĐS trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, điểm tích cực của chương trình này là từng bước giúp minh bạch thị trường, người mua có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư và chủ động “mặc cả” giá mua.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) dự báo, với tình hình thị trường hiện tại, phân khúc căn hộ bình dân (có mức giá từ 1 đến 2 tỷ đồng/căn) là rất tiềm năng. Phân khúc này sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng bởi còn một bộ phận rất đông người dân có thu nhập trung bình và cán bộ công chức đang có nhu cầu mua căn hộ để ở. Hiện tại ở Hà Nội, số lượng căn hộ có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 rất ít và nếu có phải ở xa trung tâm như ở Xa La, Sài Đồng, Tân Lập...
“Thay vì tranh luận đâu là “nhà giá gốc”, các chủ đầu tư khu vực nội đô nên tính toán kỹ suất đầu tư, giảm thiểu số lượng căn hộ cao cấp, tăng cường đầu tư vào phân khúc căn hộ trung bình, tận dụng những công nghệ thi công mới để giảm giá thành sản phẩm. Có như vậy, thì sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng và đó mới là cái gốc của vấn đề!”, ông Hà nói
Theo Báo Đầu Tư
“Nhà giá gốc”, một khái niệm chưa rõ ràng
Reviewed by Lai Tuan
on
Tuesday, September 13, 2011
Rating:
No comments: