Top Ad unit 728 × 90

Tin nỗi bật

recent

Vì sao vốn ngoại "ngại" vào đất Bắc?

Theo số liệu thống kê, chỉ trong vòng 7 tháng vừa qua, tại khu vực phía Nam đã có tới 16 thương vụ nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các doanh nghiệp hoặc dự án bất động sản (BĐS) với giá trị từ 5 triệu USD/thương vụ trở lên. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao dòng vốn ngoại này lại ít được đổ vào thị trường phía Bắc?


Con số 16 thương vụ đầu tư lớn này là một con số đột biến so với năm 2014. Đó là chưa tính đến những khoản đầu tư nhỏ, nhưng có ý nghĩa “góp gió thành bão” của Việt kiều người nước ngoài mua nhà đất để sở hữu và kinh doanh. Có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân (cả về tâm lý và thực chất) khiến cho thị trường BĐS Tp.HCM và vùng phụ cận nóng lên, chứ không phải do các chủ đầu tư dự án bắt tay với “cò” thổi giá như một vài đồn đoán gần đây. Nguyên nhân là bởi thị trường hiện nay đã quá đa dạng để "cò" có thể tiết cung, đẩy cầu.

Quay trở lại với dòng vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS, có thể kể đến một số thương vụ điển hình trong thời gian qua.

Đó là việc Creed Group, một quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản đã đầu tư 200 triệu USD tiền thật vào An Gia Investment. Nói là tiền thật bởi đơn vị này “chia chác” rất cụ thể khoản đầu tư của mình, 20 triệu USD dành cho việc mua lại cổ phần, 180 triệu USD được đầu tư vào các dự án nhà ở với tỷ lệ 50% trên tổng vốn đầu tư dự án.


Vốn ngoại đổ vào khu vực phía Nam mạnh hơn khu vực phía Bắc


Thực tế, Creed Group đã khá quen mặt trên thị trường BĐS Việt khi năm 2014 đã “bơm” 100 triệu USD cho Công ty CP Đầu tư 577 để phát triển City Gate Towers, dự án khu phức hợp với quy mô hơn 1.000 căn hộ.

Với hành động này, Creed Group đã trở thành nhà đầu tư ngoại đầu tiên “tấn công” vào phân khúc nhà giá rẻ và việc hợp tác với An Gia đã cho thấy, họ vẫn chưa dừng tham vọng thâm nhập sâu hơn vào thị trường BĐS Việt Nam.

Thị trường BĐS Việt Nam được Creed Group đánh giá là “…đang đứng trước nhiều cơ hội. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đang đàm phán gần xong Hiệp định TPP, điều này sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, giúp thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn. Bên cạnh đó, còn có những thuận lợi như dân số đông và trẻ, chủ yếu tập trung ở các đô thị; quỹ nhà ở vẫn còn khiêm tốn; chính sách pháp luật thông thoáng, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà…”. Hiển nhiên, một tổ chức chuyên tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ không dừng lại.

Những thương vụ như trên trong thời gian vừa qua không phải là cá biệt. Global Emerging Market, một quỹ đầu tư của Mỹ mới đây cũng đã cam kết sẽ rót 20 triệu USD vào Công ty Địa ốc Hoàng Quân. Hay trong tháng 6/2015, Gaw Capital Partners, một đơn vị quản lý quỹ có tại Hồng Kông đã mua 4 dự án địa ốc do Quỹ Indochina Land Holdings 2 thực hiện. Vinacapital đã “bơm” vào Novaland 15 triệu USD thuộc khoản đầu tư hợp vốn trị giá 47 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi của doanh nghiệp này. BĐS Khang Điền đã kín room ngoại với một loạt tên tuổi có tiếng là cổ đông lớn như Vinacapital (sở hữu 21%), Dragon Capital (16%), Mutual Fund Elite…

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), vốn FDI đổ vào thị trường BĐS cũng tăng mạnh và hiện đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút FDI với 15 dự án đăng ký mới và tăng vốn, giá trị 1,69 tỷ USD tính đến 20/7/2015. Vậy đâu là nguyên nhân khiến dòng vốn nước ngoài cấp tập đổ vào nhà đất Việt Nam những tháng qua?

Tại Diễn đàn M&A 2015 được tổ chức vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital cho rằng, chính sự tăng trưởng nhu cầu nhà ở của tầng lớp trung lưu hay của giới trẻ cũng như những thay đổi về chính sách mua nhà đối với người nước ngoài đã tạo ra đợt sóng trong lĩnh vực M&A BĐS có sự tham gia của khối ngoại.

Về cơ bản, tất cả các diễn biến trên đều cho thấy một xu hướng đáng mừng. Chỉ có một điều thắc mắc là, trong nhiều tháng qua, hầu hết các thương vụ “kết duyên” vốn ngoại với thị trường BĐS đều xuất hiện tại phía Nam, mà vắng bóng BĐS phía Bắc.

Phóng viên đã thử đi tìm lý giải ở nhiều chủ đầu tư BĐS phía Bắc và hầu hết đều nhận được những cái lắc đầu than thở về thủ tục hành chính nhiêu khê khiến cho các nhà đầu tư ngoại chùn bước mặc dù đã qua vài lần… đặt vấn đề. Cũng có chủ đầu tư cho rằng thị trường BĐS phía Nam hồi phục trước phía Bắc nên nhà đầu tư ngoại quan tâm hơn cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, cũng có một ý kiến mang tính “tự trào” của ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch Công ty CP Reenco Sông Hồng, rằng ngoài việc chậm cải cách hành chính, thị trường phát triển không ổn định, nhiều chủ đầu tư tại Hà Nội mặc dù đang “sống dở chết dở” với các dự án, nhưng họ vẫn mang tâm lý đắt bán chơi, rẻ để ngắm. Còn nếu đang ăn nên làm ra thì… kiêu lắm. Chính sự “khủng khỉnh”, thiếu mặn mà này đã khiến nhiều đối tác tiềm năng quay lưng.

Quan điểm này có lẽ đáng để nhiều chủ đầu tư BĐS phía Bắc suy nghĩ!
Vì sao vốn ngoại "ngại" vào đất Bắc? Reviewed by Dia Oc on Tuesday, August 11, 2015 Rating: 5

No comments:

All Rights Reserved by Mua Bán Nhà Đất © 2014 - 2015

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.